Tin chuyên ngành

Những điều khó tin về 'Bảy điều khó tin nhất trong y học'

Tôi đọc bài viết “7 điều ‘khó tin’ nhất trong y học” và thấy có nhiều điều thú vị, nên tôi phải kiểm tra lại thông tin gốc.  Sau khi kiểm tra, tôi thấy bài viết có vài sai sót đáng kể có thể gây ra hiểu lầm cho bạn đọc.  Những sai sót này như sau:

Trước hết là nguồn gốc bài viết xuất phát từ tập san British Medical Journal thường viết tắt là BMJ.  Tập san đăng bài nghiên cứu vào ngày 22/12/2007 chứ không phải 21/12/2007.

Thứ hai, tựa đề bài viết nói đến điều “khó tin”, nhưng trong bài báo gốc các tác giả nói đến “Medical Myths”, có nghĩa là “những chuyện hoang đường trong y học”.  Tuy chuyện hoang đường bao gồm cả những chuyện khó tin, nhưng hoang đường là chuyện hoàn toàn ... tưởng tượng hay hoang tưởng.  Chẳng hạn như sản phẩm của giới làm văn chương thường là sản phẩm tưởng tượng, nhưng sản phẩm y học thì không tưởng tượng được (ngoại trừ những người phản khoa học tưởng tượng ra những số liệu để phù hợp với ý của họ).

Thứ ba, bài báo nhầm lẫn chức danh khi viết “Hai chuyên gia Aaron Carroll, trợ lý giáo sư nhi khoa của Viện Regenstrief, ở Indianapolis …”  Tôi e rằng cụm từ “trợ lý giáo sư” e rằng không đúng.  Chức danh của ông Aaron Carroll là Assistant Professor.  Chữ Assistant ở đây không có nghĩa là “trợ lý” hay trợ giúp, mà là một cấp bậc giáo sư cấp thấp nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ: Assistant Professor, Associate Professor, và Professor.  Ở Việt Nam chúng ta dịch [một cách không chính xác] Associate Professor là “Phó giáo sư”, nhưng chưa có từ Việt nào dành cho chức danh Assistant Professor.

Thứ tư, bài báo sửa giới tính của một tác giả khi viết rằng “Theo 2 ông Carroll và Vreeman”.  Xin thưa rằng tác giả Carroll là đàn ông và tác giả Vreeman là phụ nữ.  Tên đầy đủ của tác giả nữ là Rachel C. Vreeman.  Tên “Rachel (có khi viết là Raquel, Rachelle, Richelle, Rochelle) trong người Anh – Mĩ là tên rất nữ, có nguồn gốc từ tiếng Hebrew (Do Thái) và có nghĩa là con cừu cái.  Rachel còn là tên của vợ của ông Jacob, một nhân vật trong Kinh Thánh.
Thứ năm, về nội dung, bài báo viết “Cạo lông chân làm cho lông mọc lại nhanh hơn và thô hơn”. Thật ra, bài báo gốc trên tập san British Medical Journal không nói cụ thể về lông chân mà là “hair” (nguyên văn: “Shaving hair causes it to grow back faster, darker, or coarser”).  Chữ hair ở đây có thể là lông (ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể), kể cả tóc.

Thật ra, một số điều mà hai tác giả Carroll và Vreeman cho là “hoang đường” không hoang đường chút nào (chẳng hạn như điện thoại di động quả thật làm nhiễu các thiết bị điện tử trong bệnh viện là một thực tế chứ không phải hoang đường), nhưng đây là vấn đề chuyên môn chứ không nằm trong phạm vi bài nhặt sạn này.

Hi vọng các sự thật trên đây sẽ làm sáng tỏ hơn cho bài báo.  Riêng cá nhân người viết bài này thì cho rằng bài báo trên tập san BMJ rất ư là nhảm nhí, vì cách làm rất ư là phi khoa học.  Thật khó tưởng tượng một bài như thế lại xuất hiện trên một tập san y học rất uy tín của Anh.  Tiếc thay, Vietnamnet đã dịch lại từ một bài báo trên website BBC, mà bài báo trên BBC thì lại là một loại … nhảm nhí.  Thiết tưởng, đây cũng là một kinh nghiệm các bạn trong Vietnamnet nên tránh đưa những tin chẳng có lợi ích gì cho cộng đồng.